Tự Học Chỉnh Vang Số: Những Sai Lầm Bạn Cần Tránh

Written by

Admin

Follow us

Nhiều người khi thuê thợ setup âm thanh nhưng vẫn không đạt được hiệu quả như mong muốn vì chưa phù hợp với gu tai của mình. Khi tự căn chỉnh vang số, người dùng dễ mắc phải một số sai lầm. Dưới đây là những lưu ý quan trọng để tránh các lỗi thường gặp khi tự chỉnh vang số, giúp bạn có thể tận hưởng âm thanh tối ưu nhất, cùng Dbacoustic tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

I. Tự Ý Nâng Dải Tần Số Âm Thanh Mà Không Hiểu Rõ

1. Điều chỉnh dải bass (20Hz - 500Hz)

Bass là dải tần mang đến sự mạnh mẽ, sâu lắng cho âm thanh, nhưng để tối ưu chất lượng bass, người dùng cần hiểu rõ và phân biệt các dải nhỏ bên trong dải bass:

  • Low bass (20Hz - 80Hz): Dải này tạo cảm giác rung động mạnh, thể hiện rõ sự sâu và uy lực. Thường được sử dụng khi muốn tăng cảm giác trầm bổng của âm nhạc.
  • Mid bass (80Hz - 320Hz): Đây là dải tần giúp âm thanh có sự cân bằng, hỗ trợ tốt cho nhạc cụ và giọng hát.
  • High bass (300Hz - 500Hz): Dải này ảnh hưởng đến độ ấm của âm thanh và có thể gây cảm giác "nặng" nếu không được căn chỉnh hợp lý.

Lưu ý quan trọng khi chỉnh bass:

Nhiều người thường tăng bass một cách tùy ý, chẳng hạn nâng từ 40Hz - 100Hz, nhưng điều này không đem lại kết quả tối ưu cho karaoke gia đình. Thay vào đó, dải bass karaoke gia đình nên tập trung vào khoảng 55Hz - 63Hz, với đặc trưng nổi bật nằm ở tần số 63Hz. Đây là điểm mà tiếng bass sẽ đạt được độ sâu và tròn trịa nhất.

Để tối ưu hóa, người dùng cần dựa trên mục đích sử dụng:

  • Với nhạc dance hoặc hip-hop: Tăng dải low bass để tạo hiệu ứng mạnh mẽ.
  • Với karaoke: Tăng ở dải mid bass và hạn chế chỉnh quá nhiều high bass để tránh làm giọng hát bị "đục".

2. Điều chỉnh dải trung (mid) - còn gọi là dải vocal (500Hz - 6kHz)

Dải trung rất quan trọng, vì đây là vùng tần số chủ yếu của giọng hát và nhiều nhạc cụ. Dải trung được chia thành ba phần nhỏ:

  • Low mid (500Hz - 1kHz): Thể hiện sự đầy đặn và ấm áp trong giọng hát. Nếu muốn giọng hát dày hơn, bạn có thể tăng nhẹ trong khoảng này.
  • Mid (1kHz - 2kHz): Đây là khu vực cốt lõi của giọng hát. Tăng ở vùng này giúp giọng hát nổi bật và sắc nét hơn.
  • High mid (2kHz - 6kHz): Vùng này quyết định độ rõ ràng và chi tiết của giọng hát cũng như âm nhạc. Tăng quá nhiều sẽ dễ gây cảm giác chói tai.

Lưu ý khi điều chỉnh dải mid:

Nếu muốn giọng hát sáng và nổi bật hơn, có thể tăng ở khoảng 2kHz - 4kHz.

Để giọng hát mềm mại, hãy tăng nhẹ ở 1kHz và giảm ở 6kHz.

Khi giọng bị khô hoặc thiếu cảm xúc, hãy điều chỉnh tăng nhẹ ở low mid (khoảng 800Hz).

Đối với giọng nữ cao, không nên tăng quá nhiều ở high mid để tránh âm thanh bị gắt.

II.Lạm Dụng Chống Hú

Nhiều người thường nhầm lẫn rằng bật chế độ chống hú ở mức càng cao thì càng tốt và càng bảo vệ được hệ thống âm thanh. Tuy nhiên, trong thực tế, việc chống hú hiệu quả không chỉ đơn thuần là bật chế độ ở mức cao mà còn cần đảm bảo chất âm vẫn giữ được sự tự nhiên và hài hòa sau khi xử lý. Sẽ so 2 phương pháp để chống hú bạn cần quan tâm:

1. Sử dụng tính năng FBE (Feedback Eliminator - FBE):

Hầu hết các vang số hiện đại đều tích hợp tính năng chống hú tự động (Feedback Eliminator - FBE). Tính năng này hoạt động dựa trên việc cắt giảm hoặc làm suy yếu các dải tần gây ra hiện tượng hú rít.

FBE thường có nhiều cấp độ, ví dụ từ 1-8 hoặc 1-4, để người dùng tùy chỉnh theo nhu cầu. Tuy nhiên, nếu đặt FBE ở mức quá cao, như mức 8, hệ thống sẽ "bóp" đi một số dải tần quan trọng, khiến âm thanh trở nên thiếu tự nhiên và mất cảm xúc.

Lời khuyên khi sử dụng FBE:

  • Để mức FBE quá cao: Nếu đặt ở cấp độ cao nhất (ví dụ: mức 8), một số dải tần quan trọng có thể bị bóp méo, làm mất đi chất âm tự nhiên. Tốt nhất nên chỉnh FBE ở mức trung bình (3 hoặc 4 với vang 8 cấp độ, và 2 với vang 4 cấp độ).
  • Lạm dụng EQ để chống hú: Chỉ nên cắt tối đa 3 - 5 cần EQ, tránh việc cắt quá nhiều làm mất đi chất lượng âm thanh đầu ra, khiến tiếng mic không còn sắc nét.

2. Phương Pháp Sử Dụng EQ Để Chống Hú

Khi chỉnh EQ, không nên lạm dụng quá nhiều cần EQ. Theo kinh nghiệm của các kỹ thuật viên lâu năm trong việc setup âm thanh, họ thường chỉ sử dụng tối đa 5 cần EQ, và lý tưởng nhất là khoảng 3 cần, để đảm bảo sự cân bằng giữa 3 dải bass, trung và treble. Việc cắt gọt quá nhiều có thể giúp chống hú hiệu quả, nhưng lại làm mất đi chất âm tự nhiên của micro. Âm thanh đầu ra sẽ trở nên không chuẩn và kém sắc nét, vì khi lạm dụng EQ quá mức, chúng ta đã làm thay đổi đặc tính âm thanh gốc.

Việc sử dụng EQ để chống hú phần lớn phụ thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng của người điều chỉnh. Hiện tại chưa có một giáo trình cụ thể hay bài bản nào dạy về kỹ thuật này. Thông thường, kỹ thuật viên sẽ dùng tay quét, vừa nâng các dải EQ, vừa nói vào micro, để tìm ra điểm nào gây khó chịu cho tai, rồi từ từ giảm dải EQ đó đi.

Ví dụ: trong dải EQ từ 20Hz đến 20kHz, bạn có thể dùng một cần EQ với Q-factor (độ rộng băng thông) khoảng 4, nâng dải EQ lên và nói "Alo" để tìm ra các điểm gây khó chịu trong khoảng 3-10dB. Khi phát hiện những điểm đó, giảm chúng xuống để âm thanh trở nên dễ chịu hơn.

Thông thường, chúng ta sẽ giảm khoảng 3dB ở những dải gây khó chịu. Tuy nhiên, với một số dòng vang hoặc hệ thống âm thanh cũ, có thể cần giảm sâu hơn một chút. Quan trọng là, theo lý thuyết, bạn không nên tăng hoặc giảm quá 3dB ở mỗi dải để tránh làm mất cân bằng tổng thể của EQ.

III. Không Làm Chủ Được Effect (Echo & Reverb)

Khi sử dụng vang số, Nhiều người muốn tăng độ vang nhưng lại không biết cách canh chỉnh sao cho đúng. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết để bạn dễ dàng làm chủ các thông số này.

1. Echo

Echo là phần tạo tiếng nhại giúp âm thanh thêm phần nịnh tai và sống động. Các thông số cơ bản cần nắm:

Delay (Thời gian giữa các tiếng nhại) Điều chỉnh để tiếng nhại xuất hiện đúng nhịp, không quá nhanh hoặc quá chậm, tránh làm rối âm thanh.

Repeat ( Số lần lặp lại tiếng nhại trong một khoảng thời gian): Nếu muốn tiếng nhại ít, nên để repeat thấp. Ngược lại, nếu muốn tiếng nhại kéo dài, hãy tăng thông số này.

Volume Echo: Độ lớn của âm thanh nhại.

Khuyến nghị:

Volume Echo: Thông thường, mức chỉnh echo nên nằm trong khoảng từ 50% đến 70%. Nếu mức tối đa là 100%, bạn nên duy trì trong phạm vi này để có âm thanh tự nhiên và dễ nghe. Tùy theo nhu cầu, nếu bạn muốn tạo hiệu ứng "nịnh giọng" khi hát, có thể điều chỉnh mức echo cao hơn. Ngược lại, nếu bạn muốn giọng hát thật và tự nhiên, hãy để echo ở mức thấp. Đồng thời, Repeat cũng nên được điều chỉnh ở mức vừa phải để tránh làm âm thanh quá dày và mất đi sự rõ ràng của giọng hát.

2. Reverb

Reverb là phần tạo tiếng vang dài, giúp âm thanh trở nên uyển chuyển hơn, phù hợp với không gian và phong cách hát. Tuy nhiên, Reverb phức tạp hơn Echo và cần chú ý các thông số sau:

Volume Reverb:Điều chỉnh phù hợp với không gian phòng và chất giọng của người hát.

  • Phòng nhỏ: Giảm volume để tránh âm thanh bị rối.
  • Phòng lớn: Tăng volume để tiếng vang đầy đặn hơn.

Reverb Time: Thời gian tiếng vang kéo dài.

Cách chỉnh thông số:

  • Hát chuyên nghiệp (ca sĩ): Giữ thông số nhỏ, thường từ 1500-2000ms để âm thanh rõ ràng.
  • Hát karaoke gia đình: Tăng thông số lên 2500-3000ms để tiếng vang sống động hơn.

Lưu ý: Thông số này có thể thay đổi tùy theo từng loại vang số. Ngay cả khi sử dụng cùng thông số, chất âm đầu ra của mỗi thiết bị vẫn có sự khác biệt.

III. Nâng Treble Bừa Bãi

Trong hệ thống âm thanh, dải tần số thường nằm trong khoảng 20Hz - 20kHz, và đôi khi bạn cảm thấy thiếu treble khi hát hoặc nghe nhạc. Nhiều người thường chọn cách nâng trực tiếp dải treble, nhưng có một phương pháp khác hiệu quả hơn và an toàn hơn cho hệ thống âm thanh của bạn đos là hãy giảm bass:

  • Khi bạn giảm dải tần số bass (dải thấp), các dải treble (dải cao) sẽ tự động nổi bật hơn. Đây là cách làm an toàn, giúp cân bằng âm thanh mà không làm quá tải loa.
  • Khi nào nên nâng treble: Nếu sau khi giảm bass mà âm thanh vẫn chưa đủ sáng, lúc này bạn mới nên nâng dải treble lên một chút để đạt được chất âm mong muốn.

KHUYẾN NGHỊ: 

  • Các chuyên gia âm thanh thường khuyến nghị giảm EQ thay vì nâng. Việc nâng EQ quá mức có thể dẫn đến âm thanh không tự nhiên và gây hại cho thiết bị.
  • Việc nâng EQ quá cao, đặc biệt ở dải bass hoặc treble, sẽ khiến loa hoạt động quá tải.
  • Nếu chỉ chơi 1 cặp loa full-range không thêm Loa Bass trong dàn âm thanh gia đình, mà bạn cố gắng ép loa phát bass mạnh và dày ở ngưỡng 10-15dB thì loa dễ bị quá nhiệt, dẫn đến cháy cuộn dây (coil) hoặc hỏng màng loa.

IV.Căn Chỉnh Compressor Cho Hợp Lý 

Một phần nâng cao nhưng rất nhiều người dùng quan tâm là làm sao để sử dụng compressor một cách hợp lý để bảo vệ loa khỏi bị cháy, đặc biệt khi sử dụng các thiết bị mạnh mẽ như loa và ampli cao cấp.

Compressor là công cụ giúp kiểm soát tín hiệu âm thanh, bảo vệ loa khỏi bị quá tải và cháy do âm lượng quá cao. Ví dụ

Nếu loa của bạn chỉ chịu được mức âm thanh tối đa là 120dB, nhưng khi âm lượng vượt quá mức này, loa sẽ dễ bị quá tải và cháy.  Khi sử dụng compressor, bạn có thể đặt mức nén ở 119dB. Điều này có nghĩa là bất kỳ âm thanh nào vượt quá mức 119dB sẽ được nén lại, không cho loa hoạt động vượt quá ngưỡng an toàn.

 Các Thông Số Quan Trọng Cần Hiểu Rõ

Compressor có 4 thông số chính mà bạn cần chú ý:

a. Threshold (Ngưỡng Nén)

Đây là mức âm thanh mà compressor bắt đầu hoạt động.

Ví dụ: Nếu bạn đặt Threshold119dB, mọi âm thanh trên mức này sẽ bị nén lại để không gây hại cho loa.

b. Attack (Thời Gian Nén)

Attack là khoảng thời gian compressor bắt đầu hoạt động sau khi âm thanh vượt qua ngưỡng nén (Threshold). Ví dụ: Nếu bạn đặt Attack là 3ms, compressor sẽ mất 3 mili giây để bắt đầu nén âm thanh.

Attack quá chậm có thể khiến loa bị tổn hại trong thời gian nén, nhưng quá nhanh lại làm mất đi độ tự nhiên của âm thanh.

c. Release (Thời Gian Nhả)

Sau khi compressor nén âm thanh qua ngưỡng nguy hiểm, nó sẽ cần "nhả" lại. Release quyết định thời gian để âm thanh trở lại trạng thái bình thường.

Thông thường, Release được đặt gấp 5-20 lần thời gian Attack. Nếu Release quá nhanh, âm thanh sẽ bị ngắt đột ngột, gây cảm giác âm thanh bị ngắt "khựng". Nếu quá chậm, âm thanh có thể bị kéo dài không cần thiết.

d. Ratio (Tỷ Lệ Nén)

Đây là mức độ mà compressor nén âm thanh vượt qua ngưỡng Threshold.

Ví dụ: Ratio 4:1: Nếu âm thanh vượt ngưỡng Threshold 4dB, chỉ 1dB sẽ được cho phép vượt qua, phần còn lại bị nén. Tỷ lệ càng cao, âm thanh bị nén càng nhiều.

Cách Thiết Lập Compressor Để Bảo Vệ Loa Hiệu Quả

Xác định ngưỡng an toàn của loa: Tra cứu thông số kỹ thuật của loa để biết mức dB tối đa mà loa chịu được (VD: 120dB).

Cài đặt Threshold phù hợp: Đặt ngưỡng nén thấp hơn mức dB tối đa của loa, ví dụ: 119dB.

Thiết lập Attack và Release hợp lý:

  • Attack: Nên đặt trong khoảng 3-10ms để đảm bảo compressor phản ứng kịp thời.
  • Release: Đặt lớn hơn 5-20 lần Attack để âm thanh không bị khựng.

Chọn Ratio phù hợp: Đối với bảo vệ loa, tỷ lệ 4:1 hoặc 8:1 là phổ biến.

V. Sai Lầm Khi Chỉnh Sub

Nhiều người thường thắc mắc nên cắt tần số ở đâu cho phù hợp. Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố chính: tần số đáp ứngchất âm khi kết hợp với mic và các thiết bị trong hệ thống.

Thông thường, bạn có thể bắt đầu cắt từ khoảng 80Hz trong dải tần 80Hz - 20kHz. Tuy nhiên, nếu sau khi cắt ở mức 80Hz mà cảm thấy vẫn thiếu bass, bạn có thể thử cắt sâu hơn, xuống 50Hz, để tăng độ sâu của âm trầm.

Đối với hệ thống karaoke gia đình, việc cắt tần số trong khoảng 30Hz - 100Hz là khá hợp lý, tùy thuộc vào từng loại subwoofer. Nếu bạn muốn âm thanh trở nên gọn gàng hơn, có thể thử cắt ở mức 85Hz. Trong trường hợp muốn nâng cường độ dải sub, tôi khuyên bạn nên nâng tần số trong khoảng 55Hz - 63Hz, với mức 63Hz thường được sử dụng nhiều nhất để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Hy vọng những kiến thức được chia sẻ trên sẽ giúp ích được cho bạn. DBacoustic cám ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Nếu có nhu cầu sở hữu hoặc trải nghiệm Các Loại Vang hoặc test thử âm thanh với bất kỳ sản phẩm nào khác bạn có thể đến với hệ thống đại lý Dbacoustic trên toàn quốc. Với 6 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực âm thanh, Dbacoustic sẽ hỗ trợ bạn tối đa trong việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng, tình hình tài chính cũng như lắp đặt và vận chuyển.