Tìm hiểu về sự trung thực trong âm thanh

Written by

Admin

Follow us

Nói đến âm thanh là thế nào cũng sẽ có những trận tranh cãi không hồi kết giữa vô vàn các ý kiến trái chiều, mà có thể nói ý nào cũng… đúng cả. Chính xác thì ý kiến nào cũng có phần đúng riêng của nó. Khi chú ý, ta thấy cho dù tranh cãi thế nào đi nữa, các ý kiến cũng chỉ xoay quanh một vấn đề đó là sự trung thực của âm thanh. Vậy, thế nào gọi là âm thanh trung thực?

Sự trung thực trong âm thanh là gì? 

"Sự trung thực của âm thanh" (còn gọi là "audio fidelity") là khả năng tái tạo âm thanh một cách chính xác và chân thực, gần giống với âm thanh gốc khi được thu hoặc sản xuất. Độ trung thực cao có nghĩa là âm thanh được phát lại không bị méo, biến đổi, hoặc thêm vào các yếu tố không mong muốn, đảm bảo rằng những gì người nghe nghe thấy là một phiên bản chính xác nhất của âm thanh gốc.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự trung thực của âm thanh bao gồm:

  • Chất lượng thiết bị: Loa, ampli, và các thiết bị âm thanh khác cần có khả năng tái tạo âm thanh một cách chính xác mà không làm thay đổi đặc tính của nó.
  • Chất lượng nguồn âm thanh: Âm thanh gốc được thu ở chất lượng cao, với độ nén thấp và không bị mất dữ liệu.
  • Môi trường phát âm thanh: Không gian và điều kiện vật lý của nơi phát âm cũng ảnh hưởng đến sự trung thực, ví dụ như cách bố trí loa, chất liệu tường, và các yếu tố môi trường khác.

Sự trung thực của âm thanh là tiêu chuẩn quan trọng đối với những người đam mê âm thanh và các nhà sản xuất thiết bị âm thanh cao cấp, vì nó đảm bảo rằng âm thanh được nghe đúng với ý định của người tạo ra nó. 

Các khái niệm về đặc trưng của sự trung thực trong âm thanh

Âm thanh là một lĩnh vực rất phức tạp, nó bao gồm một lượng thông tin vô cùng lớn. Để tái hiện âm thanh một cách trung thực, một dàn máy phải đảm bảo được tất cả bốn đặc trưng riêng biệt của âm thanh.

1. Sự trung thực về âm sắc (Tonal Fidelity)

Âm thanh gồm nhiều tần số khác nhau phát ra cùng lúc hòa hợp mà thành. Tiếng người hát, tiếng các nhạc cụ như đàn, trống,… đều có những dải tần riêng khác nhau. Vì vậy một dàn máy tốt khi tái hiện lại các dải tần này sẽ có một tỷ lệ tương xứng cho mỗi tần số riêng biệt, như vậy mới bảo toàn được tính trung thực với âm thanh bản thu gốc. Các dàn máy này khi phát ra âm thanh sẽ không bị lẫn lộn được các âm đặc trưng mà ta không tài nào phân biệt được ở các dàn máy thường.

2. Sự trung thực về không gian (Spatial Fidelity)

Một dàn máy có khả năng tái hiện âm thanh với không gian ba chiều càng chính xác thì độ trung thực về không gian của nó càng cao. Không như ở các dàn máy bình dân ta chỉ cảm nhận được âm phát ra từ hai loa, ở các dàn máy chất lượng cao, ta có thể cảm nhận được vị trí của giọng hát hay tiếng nhạc cụ từ vị trí của người nhạc công trong thực tế.

Với một dàn máy được bố trí hợp lý, âm thanh chúng ta nghe được dường như là một khoảng xa nào đó, một sân khấu, một ban nhạc chứ không còn đơn giản chỉ là âm thanh phát ra từ loa. Phân bố thời điểm chính xác cho các loại tần số riêng truyền đến tai theo một thứ tự cũng là một yếu tố quan trọng giúp người nghe cảm nhận được vị trí thực của âm thanh, như vị trí của người ca sỹ hay vị trí tiếng nhạc cụ. Điều này dĩ nhiên làm tăng sự hứng thú và độ cảm âm lên rất nhiều.

3. Sự trung thực về độ trong trong trẻo và rõ ràng của âm thanh (Transient Fidelity)

Khả năng tái tạo lại được tính rõ ràng và trong trẻo của âm thanh cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá âm thanh có trung thực hay không. Với một dàn máy thỏa mãn được yếu tố này, ta có thể nghe được tiếng chi tiết từ dây đàn, mặt trống khi đánh hay độ vang âm… một cách chân thật nhất. Ngoài ra nó còn giúp người nghe phân biệt được âm thanh của từng nhạc cụ khác nhau mà không bị rối hay lẫn lộn.

4. Sự trung thực độ động của âm thanh (Dynamic Fidelity)

Yếu tố này cho phép người nghe cảm nhận được các tiếng lớn và tiếng nhỏ hơn trong bài nhạc mà không bị đè nén hay che lấp. Với các dàn âm thanh có độ động âm trung thực, ta dễ dàng cảm nhận được độ tương phản của âm thanh, âm thanh rõ ràng chi tiết mà không nhòe hay méo. Điều này thể hiện rõ nhất khi sử dụng các ứng dụng hỗ trợ âm thanh nổi như xem phim, thưởng thức các chương trình hòa nhạc hay chơi game.

Nhiều người thường cho rằng chỉ những người nghe nhạc sành điệu, đã nghe qua nhiều loại dàn nhạc mới có thể đánh giá đúng chất lượng của âm thanh. Thực sự không phải vậy, khi đã có những khái niệm về các đặc trưng trung thực của âm thanh như đã phân tích ở trên bạn hoàn toàn có khả năng cơ bản để có thể đánh giá chất lượng của một dàn âm thanh. Khi mua một dàn máy hoặc một thiết bị âm thanh nên dùng chính khả năng của mình để đánh giá chất lượng của nó và nhất thiết phải nghe kỹ trước khi quyết định. Hy vọng rằng những chia sẻ trên của DBacoustic sẽ có ích cho các bạn!