Tìm hiểu về các ký hiệu, nút gạt ở mặt sau cục đẩy nhất định phải biết

Written by

Admin

Follow us

Cục đẩy công suất là một trong những thiết bị âm thanh đóng vai trò quan trọng giúp âm thanh có thể phát được ra loa đến tai chúng ta. Để sử dụng được cục đẩy đúng cách, hiệu quả thì trước hết chúng ta cần hiểu được các ký hiệu trên cục đẩy công suất cũng như các nút gạt sau cục đẩy. Hãy cùng DBacoustic tìm hiểu trong bài viết này để được giải đáp nhé!

Tại sao cần nắm được ký hiệu, các nút gạt sau cục đẩy?

Trước khi đi vào sử dụng bất cứ một thiết bị nào chúng ta đều phải đọc hướng dẫn và hiểu các phím, nút chức năng, ký hiệu trên nó. Khi dùng đẩy công suất cũng vậy. Việc hiểu ký hiệu, ý nghĩa nút gạt cũng như cổng kết nối trên đẩy sẽ giúp bạn sử dụng thiết bị đúng cách và hiệu quả hơn, dùng đúng chức năng của từng chế độ. Ngoài ra sẽ hạn chế lỗi và hỏng hóc, qua đó tăng độ bền cho thiết bị. 

Các ký hiệu trên cục đẩy, cổng kết nối

Không giống với các thiết bị như bàn mixer, vang cơ hay vang số, trên cục đẩy thường có khá ít ký hiệu nên dễ nắm bắt hơn. Một số ký hiệu thường gặp đó là:

  • INPUT A/B/C/D (ở một số dòng sẽ ghi 1/2/3/4): Cổng cấp tín hiệu đầu vào ở từng kênh.
  • CH: Dùng để chỉ kênh của cục đẩy, chẳng hạn như kênh A sẽ ký hiệu là CHA, kênh B ký hiệu là CHB.
  • LINK: Dùng để link tín hiệu từ kênh này sang kênh khác.
  • OUT A/B/C/D: Cổng cấp tín hiệu ra loa.
  • Ký hiệu Lock có chiều mũi tên để chỉ hướng khóa jack sau kết nối để đảm bảo độ chắc chắn.
  • Ký hiệu CHA +/- = 1+/1-: Ý nghĩa là để đấu ra loa ở kênh A chúng ta sẽ đấu vào chân dương vào chân 1+ và cực âm vào chân 1- (làm tương tự với các kênh khác).
  • Ký hiệu 200-240V 50-60Hz: Dùng để chỉ thông số phù hợp của nguồn điện cấp đầu vào.
  • Ký hiệu Mode: Để chọn chế độ.
  • Sensitivity: Dùng để chọn độ nhạy đầu vào.
  • Ký hiệu BRG +/- = 1+/2+: Ý nghĩa là để đấu ở chế độ đánh cầu thì cực dương của loa sẽ đấu vào chân 1+ và cực âm của loa sẽ đấu vào chân 2+.
  • Ở mặt trước của cục đẩy thường sẽ có ký hiệu Channel A/B/C/D hoặc CH 1/2/3/4 dùng để chỉ kênh, nút này dùng để tăng giảm âm lượng ra loa.
  • Ngoài ra thì còn có thêm nút nguồn dùng để bật/tắt đẩy.

Tổng hợp các nút gạt sau cục đẩy công suất:

1. Nút gạt Bridge - Parallel - Stereo:

Đây là một trong các nút gạt sau cục đẩy công suất thường thấy nhiều nhất. Với mỗi chế độ sẽ có cơ chế hoạt động, chất lượng âm thanh và phù hợp với từng hoàn cảnh sử dụng khác nhau. Cụ thể như sau:

- Chế độ Bridge

Đây là chế độ âm thanh mono phát ra từ một điểm cố định; tức là các loa sẽ phát ra âm thanh giống nhau. Khi bật Bridge, công suất tải có thể tăng gấp 2 lần so với công suất bình thường nên thường không chạy khi có tải trở kháng thấp vì có thể gây nguy hiểm. 

Chúng được nhà sản xuất khuyên dùng ở mức 8ohms, phù hợp với loa sub đôi hoặc dàn loa sub đôi, loa array hoặc loa hội trường có công suất lớn. Lực âm thanh tạo thành rất lớn, giúp tiếng trầm căng và có uy lực mạnh mẽ. 

- Chế độ Parallel: 

Parallel cũng là cổng âm thanh mono như Bridge nhưng có cơ chế hoạt động trái ngược hoàn toàn. Bridge là dạng đấu nối tiếp nhưng Parallel lại là cổng song song. Tức là khi cấp tín hiệu ở một đường thì đường kia cũng nhận được nên bạn không phải lo tình trạng âm thanh bị trễ hay bị hao hụt. 

Parallel cho phép người dùng có thể đấu ghép nhiều cặp loa với nhau và chúng sẽ làm giảm tổng trở xuống thấp, thậm chí là 1 - 2 ohm. Vì vậy, chế độ này thường được sử dụng trong những không gian lớn và có ít thiết bị khuếch đại. 

Tại gia đình, cổng Parallel cũng ít được ứng dụng nên không có nhiều người dùng quan tâm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nâng cấp hệ thống hoặc dùng thêm loa vào hệ thống thì có thể cân nhắc sử dụng chế độ này nhé!

- Chế độ Stereo:

Stereo là chế độ được dùng phổ biến nhất trên nút gạt điều chỉnh âm thanh sau cục đẩy. Chúng có nguyên lý hoạt động khá đơn giản, 1 vào 1 ra hoặc 2 vào 2 ra, kiểu như vào ở đâu thì ra ở đó. 

Stereo thường được sử dụng ở dàn âm thanh có 2 vế loa. Thông thường, Stereo được nhà sản xuất công bố với mức trở kháng từ 2 - 4 - 8ohms tương ứng với loa. Người dùng nên căn cứ vào thông số này để lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng. 

2. Nút gạt Sensitivity:

Trong các nút gạt sau cục đẩy công suất, Sensitivity cũng là một nút điều chỉnh khiến nhiều người dùng hoang mang. Sensitivity cho phép bạn có thể điều chỉnh độ nhạy ngõ vào để tăng/ giảm công suất loa. Từ đó, giúp loa phát ra âm thanh hay nhất, căng nhất cũng như bảo vệ độ bền cho loa.

Trên nút gạt Sensitivity, ta sẽ nhìn thấy 3 thông số, đó là: 1V, 0.775V và 1.4V. Nguyên lý hoạt động của nút gạt này như sau: 

Khi ta đưa vào cục đẩy cùng mức volume, cùng tín hiệu và dùng cùng một loa. Nếu bạn để độ nhạy là 0.775V thì âm lượng cho ra sẽ lớn hơn 1V. Tương tự, nếu gạt độ nhạy là 1V thì âm lượng sẽ lớn hơn 1.4V. Tính năng này vô cùng quan trọng nếu như công suất thực của loa nhỏ hơn so với công suất cực đẩy; bởi nếu chỉnh quá có thể làm cháy loa. 

Khi đưa tín hiệu vào cục đẩy đạt các mức 0.775V, 1V hoặc 1.4V thì cục đẩy sẽ phát huy hết công dụng của nó, mang lại trải nghiệm thú vị khi sử dụng. 

3. Nút gạt Hi - Pass và Lo - Pass:

Tiếp theo trong danh sách các nút gạt sau cục đẩy mà chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc là Hi - Pass và Lo - Pass. Trong đó, Hi - Pass là chế độ lọc bỏ qua phần cao; tức là bất cứ tín hiệu âm thanh nào dưới dải tần chỉ định sẽ bị giảm đi; còn những dải tần cao hơn sẽ được giữ nguyên. 

Ngược lại, Lo - Pass là lọc bỏ qua phần trầm. Những tín hiệu âm thanh có dải tần cao hơn so với mức chỉ định sẽ bị cắt đi. 

Thông thường, Hi - Pass và Lo - Pass có thể cắt khoảng từ -6dB đến -18dB trong một quãng tám.

4. Nút gạt Grounding:

Trong các nút gạt sau cục đẩy công suất mà người dùng cần hiểu rõ không thể bỏ qua Grounding với hai chế độ ON và OFF. Ở một số dòng cục đẩy cũ nút gạt này được thiết kế với hai chế độ là ground (tương ứng với ON) và lift (tương ứng với OFF). 

Grounding được dùng để thao tác nối đất cho cục đẩy. Trong một số trường hợp, chúng có nhiệm vụ hạn chế tình trạng rò rỉ điện cho thiết bị, bảo vệ an toàn cho người dùng. Đồng thời, giúp âm thanh tạo ra tạo ra rõ ràng và trong trẻo hơn, không bị rè. 

Khi muốn thiết bị nối đất, bạn chỉ cần gạt nút gạt sang chế độ Ground hoặc ON. Còn không thì để ở chế độ OFF/ Lift. 

5. Nút gạt Limiter:

Nhiệm vụ của Limiter là hạn chế tình trạng méo tiếng, hú rít và quá tải trong chuỗi tín hiệu âm thanh. Đồng thời cũng bảo vệ tuổi thọ cho cục đẩy khi âm thanh bị vặn ở mức to nhất. 

6. Nút gạt CLIP MODE 4Ω/8Ω

Cục đẩy báo đèn Clip tức chúng bị quá tải, đuối, khi ta gạt sang 8 ohms thì ta đánh cho loa 8 ohms, trường hợp quá công suất thì đèn sẽ báo clip.

Trường hợp đánh loa 4 ohm thì gạt sang chế độ 4 ohms khi quá tải hoặc có vấn đề thì đẩy sẽ báo clip để biết đẩy đã hết công suất hoặc có sự cố về loa.

Lưu ý khi sử dụng các nút gạt sau cục đẩy, main công suất

Một số lưu ý quan trọng khi áp dụng các nút gạt phía sau cục đẩy công suất bạn cần nhớ để tránh gây lỗi hỏng cho thiết bị đó là:

- Tìm hiểu kỹ và đúng ý nghĩa và tác dụng của từng nút gạt để dùng.

- Bạn cần dùng chế độ nào thì gạt sang chế độ đó và chú ý đấu nối đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Gạt đúng nấc, không gạt nút nửa chừng vì nó sẽ không có tác dụng, lâu ngày sẽ gây hỏng nút gạt.

Với những dòng đẩy công suất đời mới thì thường đã được lược bỏ một số nút gạt, chỉ có nút gạt Bridge - Parallel - Stereo là luôn xuất hiện ở mọi dòng đẩy. Các nút được lược bỏ là để chức năng đó được tích hợp vào bên trong, hoặc là được điều chỉnh bằng cách dùng khác.

DBacoustic
Đẩy công suất DBacoustic D2.45

>> Tham khảo các sản phẩm Đẩy công suất chính hãng DBacoustic tại đây!

Bài viết trên đây DBacoustic đã tổng hợp các ký hiệu và các nút chức năng ở mặt sau của đẩy công suất trong dàn âm thanh. Dù các dòng đẩy đời mới có còn các nút gạt đó hay không thì việc hiểu rõ các chức năng đó vẫn sẽ có ích trong quá trình sử dụng đẩy công suất. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn sử dụng đẩy công suất một cách hiệu quả hơn. Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết!