Sự ra đời của máy Karaoke: Từ “chiếc máy ế” đến trào lưu thế giới

Written by

Admin

Follow us

Trong xã hội hiện nay, có lẽ ai ai cũng biết đến “Karaoke” – loại hình giải trí rất phổ biến trên thế giới. Vậy nhưng bạn có biết ban đầu chẳng ai thèm hát Karaoke không? Hay thậm chí người phát minh ra Karaoke đã được nhận giải Nobel hòa bình? Và chắc hẳn các bạn cũng tò mò ai là người phát minh ra máy Karaoke khiến cho bao bạn trẻ thỏa sức thể hiện niềm đam mê ca hát của mình phải không? Hãy cùng DBacoustic tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Ý tưởng đến từ một sự cố vô tình 

Cha đẻ của chiếc máy Karaoke là ông Inoue Daisuke (10/05/1940), người Nhật Bản. Bước ngoặt cuộc đời của ông là khi từ bỏ công việc văn phòng dù trước đó ông đã vất vả học hành để có một tấm bằng như bao người. Ông theo đuổi đam mê và trở thành một tay trống dù không đọc được nốt nào trên bản nhạc.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, tại một quán bar ở thành phố Kobe, vì ca sĩ chính hôm đó bị ốm nên người chủ cửa hàng đã đến gặp Inoue và ban nhạc yêu cầu ghi âm vài bản nhạc tủ để mời trực tiếp khách hát theo bản ghi âm đó. Nhìn thấy được cơ hội kinh doanh trước mắt, Inoue đã nảy ra ý tưởng tạo ra một chiếc máy phát giai điệu các bài hát, ai muốn sử dụng phải bỏ tiền xu vào.

Sự ra đời của dàn Karaoke đầu tiên

Karaoke là một từ ghép của chữ "Kara" (空) có nghĩa là "trống rỗng" hoặc "không có" và "Oke" (オーケストラ, từ viết tắt của "orchestra") có nghĩa là "dàn nhạc" hoặc " ban nhạc". Có nghĩa là hát mà không cần ban nhạc chơi nhạc đệm. 

Năm 1971, dàn Karaoke đầu tiên có tên là Juke 8 với chi phí 425 USD được ông Inoue tung ra thị trường với kết cấu đơn giản: một đầu máy thu băng cát sét nối với một bộ loa, micro và hộp đựng tiền xu cho vào một thùng sơn trắng đỏ.

Thế nhưng mọi người lúc đó đều quen với việc hát được ban nhạc chơi nhạc sống, chưa ai nghĩ đến hát theo kiểu mới này, nên không ai muốn sử dụng thử dù chỉ một lần.

Ông Inoue vẫn không từ bỏ, đã ra chiến lược thuê những cô gái xinh đẹp và hấp dẫn nhất đến xài máy Karaoke nhằm thu hút sự chú ý. Kết quả thành công ngoài mong đợi, chỉ sau một ngày mọi người đều dường như bị ghiền hát và không ai chịu bỏ mic xuống. Chỉ trong năm đó, Juke 8 đã được đặt tại hơn 200 quán bar, khu vui chơi giải trí ở Kobe.

Từ “chiếc máy ế” đến trào lưu thế giới

Sau vài năm, cả Nhật Bản lên cơn sốt với máy Karaoke - Juke 8 của ông. Doanh thu của công ty lên tới 100 triệu USD mỗi năm. Chiếc máy được liên tục cải tiến, thu âm hàng trăm bài hát. 

Đặc biệt, để có thể lan tỏa đến khắp mọi nơi ở Nhật, ông dùng các thùng xe chở hàng tu sửa lại, trang trí và đặt dàn máy Karaoke vào. Hộp Karaoke xuất hiện vào năm 1984 trên cánh đồng lúa tại miền quê Okayama, tỉnh Kansai.

Từ đó, hộp Karaoke được đặt khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, những phòng Karaoke chia ngăn và cách âm cũng được xây dựng và mọc lên. Làn sóng hát Karaoke nổi tiếng khắp thế giới, tạo nên một xu hướng giải trí mới cho mọi người.

Ngày nay, máy Karaoke kết hợp với công nghệ kỹ thuật hiện đại, cho ra nhiều loại hình hát Karaoke. Từ thành thị đến nông thôn, mỗi gia đình đều có thể sở hữu một dàn Karaoke để thỏa niềm đam mê ca hát của mình.

Bỏ lỡ hàng trăm triệu USD vì "quên" đăng ký bản quyền

Sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của máy Karaoke, khiến Inoue mải mê lao vào công việc cải tiến kỹ thuật mà quên đi một chuyện quan trọng đó là đăng ký bản quyền cho phát minh của mình. Chỉ tính riêng năm 2019, Daisuke Inoue có thể kiếm 100 triệu USD tiền bản quyền nếu như ông đăng ký tác quyền phát minh Karaoke. 

Theo như chia sẻ, vì ông không cho đây là phát minh mới đúng nghĩa, chỉ đơn giản chắp nối một số linh kiện điện tử lại với nhau tạo ra sản phẩm, nên ông không cảm thấy tiếc nuối. Nhưng ông thật sự bất ngờ với ý tưởng đơn giản của mình là tạo ra cuộc cách mạng văn hóa đại chúng như vậy.

“Cha đẻ” của Karaoke nhận giải Nobel về hòa bình

Karaoke tạo nên giá trị tinh thần, tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người. Đây là hình thức giải trí vui vẻ sau những giờ lao động mệt mỏi, căng thẳng, giúp tăng thêm sự tự tin với khi đứng trước đám đông, cơ hội giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó.

Với những ảnh hưởng tích cực từ máy Karaoke mang lại, Tạp chí Time châu Á 1999 đã xếp Inoue Daisuke nằm trong top 100 người ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Năm 2004, ông được nhận giải Ig Nobel về hòa bình do phát minh của ông giúp con người học cách bao dung, yêu thương lẫn nhau. Giải thưởng Ig Nobel Prize nhằm tôn vinh các thành tựu “đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ”.